Thứ Năm, 6 tháng 12, 2007

CNTT Việt Nam 2007: Buồn, vui và những câu hỏi

Trong năm 2007, Đề Án 112 đã thu hút mạnh mẽ sự chú ý của giới truyền thông và công chúng. Điều đó khiến những tín hiệu vui và nhiều vấn đề khác về ứng dụng và phát triển CNTT bị lu mờ.

CNTT “thất sủng”?

Đề án "Tin học hóa quản lý hành chính nhà nước" (ĐA 112) thất bại khiến nhiều người trong giới CNTT thấy buồn, lo rằng CNTT không được xã hội và các lãnh đạo cấp cao của Nhà Nước coi trọng nữa. Đó cũng là những tâm sự của ông Đỗ Xuân Thọ, chủ tịch hội Tin Học Việt Nam (VAIP) - giãi bày tại hội thảo “CNTT Việt Nam – thực tế hội nhập” trong khuôn khổ Tuần Lễ Tin Học Việt Nam 2007.

Theo ông Thọ, nói đến CNTT, không chỉ có ĐA 112 mà còn rất nhiều chương trình, dự án khác đã thành công. Ví dụ, ngành công an hiện nay quản lý hơn 20 triệu ô-tô, xe máy, nhưng chỉ cần vài thao tác đơn giản đã biết xe nào của ai, có thể tìm xe theo số máy số khung. Hoặc dịp quốc khánh vừa rồi có đến 8.000 người được đặc xá, mà chỉ trong thời gian rất ngắn đã lọc đủ hồ sơ, không nhầm lẫn. Tất cả là nhờ ứng dụng CNTT. Còn có rất nhiều ví dụ khác trong các ngành.

“Thực tế là nhiều thủ trưởng không muốn dùng CNTT vì phải đầu tư nhiều và phải công khai”
ông Bùi Quốc Việt, giám đốc trung tâm Thông Tin của VNPT băn khoăn về việc giao trách nhiệm ứng dụng CNTT cho thủ trưởng các cơ quan, đơn vị.

Ông Thọ cho rằng đánh giá của Ban Chỉ Đạo Quốc Gia về CNTT năm 2007 còn mờ nhạt, chủ yếu bám vào 13 dự án, đề án CNTT lớn, chưa vẽ được bức tranh tổng thể về ứng dụng CNTT của toàn xã hội. Cách tiếp cận về ứng dụng CNTT hiện nay, theo ông Thọ, là sai, vì đi vào cái khó nhất: ứng dụng CNTT trong quản lý hành chính. “Muốn một anh văn thư nhấn nút chuyển công văn cho thủ trưởng giải quyết, phê và bấm nút chuyển lại? Chưa thể có chuyện đó, vì người Việt quen sản xuất nhỏ, làm việc tùy tiện, không chia sẻ thông tin...” – ông Thọ nói. Cho nên, cần xác định mục tiêu và cách giải quyết hết sức thực tế. Cái gì dễ làm trước.

Ông Vũ Đức Đam(*), nguyên thứ trưởng bộ Thông Tin và Truyền Thông (TTTT) cũng nhận xét: Nói về CNTT thường dễ sa vào các trường hợp cụ thể, khiến nhìn nhận của xã hội có phần lệch lạc. Thực ra, ứng dụng CNTT không chỉ trong khối nhà nước mà còn ở khối doanh nghiệp, 2 triệu hộ kinh doanh cá thể và cả xã hội. Riêng ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước thì ĐA 112 cũng không phải là tất cả. Sai phạm của các lãnh đạo ĐA 112 là những sai phạm về kinh tế, không liên quan gì đến CNTT.

Về công nghiệp CNTT, theo ông Đam, Việt Nam (VN) đang có những tín hiệu tốt, đáng lạc quan. Về phần cứng, đầu tư chưa bao giờ nhộn nhịp như bây giờ: Ngoài một loạt tập đoàn lớn đã xây nhà máy ở VN thì Fujitsu, IBM, HP cũng đang “rục rịch”, Panasonic đã và đang chuyển một số nhà máy sang VN. “VN đang là điểm rất hấp dẫn” – ông Đam khẳng định.

Về phần mềm (PM), nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài cũng bắt đầu vào VN “làm thật”, đồng thời một số công ty PM của VN như FPT, HPT, CMC cũng đã và đang dựa vào những “người khổng lồ” về PM trên thế giới để ra nước ngoài. Một số người VN đã thăng tiến trở thành lãnh đạo cao trong các tập đoàn lớn...

Còn nhiều băn khoăn

Theo ông Đam, điều cần làm rõ hiện nay về ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước là nên thực hiện phân tán (các địa phương tự sáng tạo, tự chịu trách nhiệm) hay làm theo mô hình tập trung. Tinh thần của bộ TTTT là phân tán, không có siêu bộ, siêu ban, siêu ngành, siêu đề án. “Hàn Quốc cũng tin học hóa một cách phân tán, các giai đoạn trước không coi là chính phủ điện tử (CPĐT) mặc dù ứng dụng CNTT rất phát triển. Chỉ 2 năm trở lại đây Hàn Quốc mới coi là xây dựng CPĐT và làm theo hướng tập trung” – ông Đam nói.

Về phát triển CNTT, VN cần có nhiều dự án lớn của nước ngoài, mà tất cả các dự án lớn đều yêu cầu giảm thuế, miễn thuế và một số điều kiện khác. Ông Đam nêu một loạt câu hỏi: VN có sẵn sàng là “thiên đường thuế”? Cùng với thuế, có thể đảm bảo dịch vụ kho vận (logistic)? Về nhân lực, liệu có thể đặt hàng bao nhiêu cung cấp bấy nhiêu?

“Lẽ ra các lãnh đạo phải học về CNTT, nhưng thực tế họ chưa bao giờ dự một khóa nào cả, cho nên lơ mơ, không đủ hiểu biết, không thể giải quyết được vấn đề; nhiều khi nghe một vài người nào đó nói rồi tin, dẫn đến phát biểu không đúng... Phải có khóa học rất nghiêm chỉnh cho từng đồng chí lãnh đạo”
ông Nguyễn Chí Công, chuyên gia tư vấn độc lập về CNTT.

Ông Nguyễn Đình Thắng, phó chủ tịch VAIP cho rằng VN có thể đáp ứng được về nhân lực (đây là thế mạnh nhất của VN), còn thuế và logistic thì khó, vì liên quan đến nhiều đối tượng và điều kiện. Về việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước, ông Thắng cho rằng nên tập trung trong các khâu định hướng, chỉ đạo chính, thiết kế khung, kiểm tra... Còn việc thực hiện thì phân tán, để từng đơn vị chủ động, không áp đặt. Ông Thắng cũng đề nghị cần có cơ chế rõ ràng về vai trò của cơ quan quản lý nhà nước và DN trong quá trình triển khai ứng dụng CNTT. Có nhiều dịch vụ công có thể giao cho DN làm.

Ông Nguyễn Chí Công, chuyên gia tư vấn độc lập về CNTT cũng cho rằng chỉ cần một cơ quan quản lý chung về CNTT là đủ. Những ngành khác phải quản lý việc của mình, trong đó CNTT chỉ là một phần rất nhỏ. Ông Công không tán thành việc quá nhấn mạnh đến CNTT, vì CNTT chỉ là phương tiện. Đầu tư vào phương tiện thì đầu ra chỉ là nhiều trang thiết bị tốn kém, trong khi mục tiêu chính là hệ thống thông tin thông suốt, chính xác, nhanh và phục vụ kịp thời cho mục đích của tổ chức thì chưa làm được. Do đó, ông Công đề nghị nên thực hiện một cách phân tán trong những công việc thường xuyên, có đầu ra cụ thể, có mục tiêu thật rõ ràng. Mặt khác, phải hoàn thiện khung thể chế, trong đó quy định rõ quan hệ giữa các công chức, cơ quan chức năng của hệ thống hành chính. Mấy năm qua, VN đã có những bộ luật khung về CNTT, nhưng chưa cụ thể hóa, chưa đi vào đời sống. Theo ông Công, “không nên cầu toàn, vì nếu không có hành lang pháp lý thì không ai làm việc được. Cần phải có ngay những thông tư, nghị định hướng dẫn”. Ông Công cũng nhận định đầu tư cho tin học hóa của VN thời gian qua quá nhỏ giọt so với đầu tư của chính phủ nước ngoài nên không đủ chuyển lượng thành chất.

(*) Theo quyết định mới của Bộ Chính Trị, ông Vũ Đức Đam được phân công làm phó bí thư thường trực Tỉnh Ủy Quảng Ninh.


DỰ ÁN CHẾT: LỖI TẠI AI?
Từ trước tới nay, khá nhiều dự án CNTT tại Việt Nam triển khai không hiệu quả, gây lãng phí thất thoát từ hàng triệu tới hàng tỷ đồng. Nhưng rất ít dự án như vậy bị mổ xẻ hay truy cứu trách nhiệm của các bên liên quan. Nếu có mổ xẻ, thì việc phát hiện ra lỗi, thất thoát cũng khó đo đếm. Bởi thế nên bên có lỗi cũng như bên không có lỗi (cùng tham gia dự án) đều mang tiếng giống nhau. Tuy nhiên, ngày 30/10/2007, khi Kiểm Toán Nhà Nước công bố kết quả kiểm toán Đề Án 112 tại bộ Giáo Dục và Đào Tạo (GDĐT) với kết luận là công ty cổ phần Máy Tính Truyền Thông CMC chưa bàn giao PM chương trình quản lý văn bản cho bộ GDĐT theo thỏa thuận đã ký (năm 2004) nên gây thất thoát, lãng phí tiền của Nhà Nước, thì doanh nghiệp (DN) này đã lập tức lên tiếng phản đối.
Theo ông Nguyễn Trung Chính, tổng giám đốc CMC thì CMC là một công ty của công chúng, những kết luận trên đưa ra có thể ảnh hưởng tới 1.000 cổ đông của công ty. Ông Chính cho biết, trên thực tế, CMC đã cung cấp sản phẩm này (PM eDocman) cho văn phòng bộ GDĐT theo hợp đồng ký ngày 28/5/2004. Đến ngày 9/12/2004, CMC đã tiến hành nghiệm thu, thanh lý hợp đồng với bộ GDĐT. Theo ông Chính lý giải, sở dĩ dự án không được triển khai tiếp tại bộ GDĐT là do những thay đổi về tổ chức của cơ quan này nên không có người tiếp quản dự án. Quá trình triển khai, CMC luôn vấp phải sự chậm trễ từ phía VP bộ GDĐT. Thậm chí công ty này đã phải gửi nhiều công văn tới bộ để đốc thúc việc triển khai dự án trên.
Sự việc không đơn giản, nếu chỉ kết luận dựa trên hiện tượng và kết quả như kiểm toán đã làm. Một dự án CNTT chết, không thể chỉ đổ lỗi do PM không tốt. Ông Chính khẳng định: một sản phẩm dù tốt đến mấy nhưng nếu khách hàng không thực sự hợp tác thì sản phẩm cũng khó có thể thành công. Trong trường hợp này, eDocman là một sản phẩm đã có thương hiệu và được triển khai ở nhiều cơ quan, tổ chức; nhưng khi vấp phải sự trì trệ của một tổ chức, nó đã lập tức trở thành một sản phẩm “ảo”. Và do vậy khi kết luận về một dự án chết, nhất thiết phải xem xét rõ ràng, nhằm tránh tình trạng dù không có lỗi, sản phẩm và DN vẫn bị vạ lây.
T.V


Thụy Anh

Không có nhận xét nào: